PNO – Vừa bước ra khỏi siêu thị giá rẻ, chị Nguyễn Thị Yến Hoa (công nhân ở Q.Bình Tân, TP.HCM) nhẩm tính: “Nếu mua chỗ khác phải mất hơn 500.000 đồng nhưng mua ở đây chưa tới 400.000 đồng”. Mô hình “siêu thị giá rẻ” như nơi chị Hoa mua sắm đang xuất hiện nhiều tại các khu vực đông công nhân.
Rủ nhau đi… “siêu thị công nhân”
Sáng 19/7, chị Hồ Thị Bạch Yến (38 tuổi) cùng hai đồng nghiệp có mặt tại Nhà văn hóa Lao Động Q.Bình Thạnh, TPHCM từ rất sớm để đi siêu thị mua hàng trước giờ vào ca. Hôm nay, tại nhà văn hóa này có một “siêu thị giá rẻ” khai trương, bày bán khoảng 300 mặt hàng để phục vụ cho công nhân, người lao động. Ước tính, ngay trong ngày đầu mở cửa, siêu thị thu hút khoảng 1.200 người đến mua hàng.
Cầm trên tay một chai dầu ăn, nghe nhân viên báo giá chỉ có 47.000 đồng, chị Bạch Yến ngạc nhiên, liền quay qua nói với đồng nghiệp: “Cách đây mấy ngày, mình mua chai dầu này ở tiệm tạp hóa có giá tới 61.000 đồng”.
Sau khoảng 20 phút, chị Bạch Yến đã chọn được gần mười món hàng là nhu yếu phẩm thiết yếu. Chị cho biết, các mặt hàng ở siêu thị này thấp hơn so với thị trường từ 10 – 30% nên chị mua nhiều, để dành cho gia đình sử dụng trong một tháng. “Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều tăng cao, siêu thị này như là “cứu tinh” cho công nhân chúng tôi. Tôi hy vọng siêu thị này tháng nào cũng duy trì thường xuyên để công nhân tiết kiệm được chi phí”, chị Bạch Yến bộc bạch.
Một tháng qua, cứ vài ba ngày anh Trương Quốc Minh Huy (công nhân, ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân) lại ghé vào siêu thị mini nằm trong Nhà văn hóa Lao Động Q.Bình Tân mua sắm đồ dùng cho gia đình. Siêu thị này mở cửa hầu hết các ngày trong tuần, cung cấp đầy đủ mặt hàng tiêu dùng cho các gia đình. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là người dân đến đây mua hàng chỉ cần đưa thẻ công đoàn viên sẽ được mua hàng với giá rẻ.
Anh Minh Huy cho biết, năm ngoái, do ảnh hưởng dịch COVID-19, vợ anh đã bị công ty cắt giảm lao động, đến nay vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Hiện anh đang làm công nhân cho một công ty ở Q.Bình Tân với mức thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp, trong thời “bão giá” gia đình anh Minh Huy hầu như không dám đi siêu thị hay trung tâm thương mại mua sắm. Hằng ngày, anh thường chọn các khu chợ “cóc” hoặc các điểm bán hàng rong để tìm mua hàng giá rẻ, dù vừa mất thời gian lại không an tâm. “Bây giờ thì khác rồi, có siêu thị giá rẻ cho công nhân nên cứ vài ba ngày tôi lại ghé mua hàng tiêu dùng cho gia đình. Ở đây không thiếu mặt hàng gì cả, nhưng giá lại rẻ hơn bên ngoài. Mỗi lần mua hàng ở đây, tôi tiết kiệm được vài chục đến hàng trăm ngàn đồng. Thời buổi kinh tế khó khăn, tiết kiệm được vài chục ngàn cũng thật quý”, anh Minh Huy chia sẻ.
Từ ngày siêu thị giá rẻ hoạt động trong khuôn viên thuộc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân), chị Lê Nguyễn Trang Thịnh (công nhân, quê Tiền Giang) không phải vội vã, chen chúc ở các khu chợ tạm vào giờ tăng ca nữa.
Chị Thịnh và nhiều chị em công nhân khác đi làm bằng xe buýt, từ Tiền Giang lên TPHCM. Công nhân đi sớm, về muộn nên có rất ít thời gian mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình. Trước đây, khi tan ca, chị thường chạy vội ra các khu chợ cóc ở gần công ty để mua thức ăn, hàng hóa. Thực phẩm bán ở lề đường thường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên chị không yên tâm về vệ sinh an toàn, nhưng vì hoàn cảnh nên đành chấp nhận.
“Hiện giờ trong công ty chúng tôi có siêu thị giá rẻ nên chị em có thể tranh thủ ghé siêu thị vào giờ cơm trưa hoặc lúc tan ca chiều để lựa các mặt hàng tiêu dùng cho gia đình. Ở trong này bán chủ yếu là những thứ cần thiết và phù hợp với túi tiền của công nhân. Ngoài ra, điều chúng tôi thích nhất là hàng hóa ở đây được cơ quan chức năng kiểm soát chặt nên có thể yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ”, chị Thịnh chia sẻ.
Nhân rộng mô hình “siêu thị giá rẻ”
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân – cho biết, siêu thị giá rẻ là chương trình “Điểm phúc lợi đoàn viên” do đơn vị phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tươi Mart tổ chức. Hiện nay, ngoài điểm bán cố định tại Nhà văn hóa Lao Động Q.Bình Tân, siêu thị giá rẻ còn có các điểm bán hàng tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận.
“Đây là một trong những biện pháp để chúng tôi hỗ trợ, giúp đỡ người lao động tiết kiệm một phần chi phí trong bối cảnh vật giá đang có xu hướng ngày càng tăng cao”, ông Nguyễn Văn Hải nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, tính từ đầu năm đến tháng 6/2022, siêu thị giá rẻ đã phục vụ cho trên 78.000 lượt công nhân, người lao động, tổng số tiền người mua hàng tiết kiệm được khoảng 1,2 tỷ đồng. Điều đặc biệt là các siêu thị giá rẻ cho công nhân, người lao động hiện đang bán 100% các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Đơn vị bán hàng tại đây sẽ cam kết bình ổn giá và đảm bảo chất lượng các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
“Chúng tôi đánh giá mô hình siêu thị giá rẻ đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Đặc thù của Q.Bình Tân là địa bàn đông công nhân, việc tổ chức các siêu thị mini bán hàng giá rẻ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao sức khỏe để anh chị em công nhân lao động hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Hải nói.
Ông Nguyễn Long Tươi – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tươi Mart – cho biết, từ mô hình ở Q.Bình Tân, hiện đơn vị đã triển khai 60 siêu thị giá rẻ tại các điểm bán hàng “phúc lợi đoàn viên” và 100 điểm bán hàng lưu động. Tại TPHCM, siêu thị giá rẻ cho công nhân hiện đã có mặt tại 15 quận, huyện. Có khoảng 50 doanh nghiệp cùng đồng hành thực hiện chương trình này. “Chúng tôi rất cảm thông và thấu hiểu khó khăn của công nhân, người lao động, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu đang tăng cao. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM để xây dựng một chuỗi siêu thị mini giá rẻ phục vụ cho công nhân với hy vọng sẽ phần nào giúp anh chị em công nhân có cuộc sống tốt hơn”, ông Nguyễn Long Tươi bày tỏ thêm.
Ông Nguyễn Long Tươi cho biết, tại các điểm siêu thị giá rẻ cho công nhân, hiện có bán khoảng 300 mặt hàng, chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu, thực phẩm. Các mặt hàng này đều có giá thấp hơn ngoài thị trường từ 5 – 30%. Để làm được điều này, ông Nguyễn Long Tươi phải liên lạc, đàm phán với các nhãn hàng uy tín của Việt Nam để họ đồng hành cùng chăm lo phúc lợi cho công nhân, người lao động. “Trong tháng Năm vừa qua, có trên 50.000 công nhân, người lao động tìm đến siêu thị giá rẻ của chúng tôi. Số tiền giúp anh chị em công nhân tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng. Ví dụ, một chai dầu ăn cùng chủng loại, bên ngoài bán 55.000 – 61.000 đồng, chỗ chúng tôi bán chỉ khoảng 47.000 – 48.000 đồng. Hay một túi đường, bên ngoài bán 25.000 đồng, chúng tôi bán chỉ 21.000 đồng”, ông Nguyễn Long Tươi cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, để giúp công nhân, người lao động trên địa bàn quận giảm bớt khó khăn, Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân đã ký kết với 17 doanh nghiệp nhằm chăm lo phúc lợi cho đoàn viên. Ngoài siêu thị giá rẻ, Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân còn tổ chức các phiên chợ nghĩa tình định kỳ cho công nhân, người lao động. Đơn vị cũng đã vận động các doanh nghiệp bán hàng tại các điểm phúc lợi đoàn viên chia sẻ một phần lợi nhuận để tổ chức chương trình “Doanh nghiệp đồng hành cùng công nhân lao động có bệnh hiểm nghèo”. Bước đầu, Q.Bình Tân sẽ xét duyệt mười trường hợp có bệnh hiểm nghèo để doanh nghiệp tài trợ mỗi tháng 1 triệu đồng/người.